Dự toán Xây dựng là gì ? Là tài liệu xác định tổng mức chi phí cần thiết cho việc đầu tư xây dựng công trình được tính toán cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công, bao gồm: giá trị dự toán xây lắp, giá trị dự toán mua sắm trang thiết bị, chi phí khác và các chi phí dự phòng

Dự Toán Xây Dựng là gì ?

Dự toán Xây dựng là tài liệu xác định tổng mức chi phí cần thiết cho việc đầu tư xây dựng công trình được tính toán cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kỹ thuật - thi công, bao gồm: giá trị dự toán xây lắp, giá trị dự toán mua sắm trang thiết bị, chi phí khác và các chi phí dự phòng.

• Giá trị dự toán xây lắp trong dự toán xây dựng bao gồm: Chi phí phá và tháo dỡ các vật kiến trúc cũ; Chi phí san lấp mặt bằng xây dựng; Chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công (đường thi công, điện nước, nhà xưởng ...) nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành (nếu có); Chi phí xây dựng các hạng mục công trình; Chi phí lắp đặt thiết bị (đối với thiết bị cần lắp đặt); Chi phí lắp đặt thiết bị phi tiêu chuẩn (nếu có); Chi phí di chuyển lớn thiết bị thi công và lực lượng xây dựng ( trong trường hợp chỉ định thầu nếu có);

• Giá trị dự toán mua sắm trang thiết bị trong dự toán xây dựng bao gồm: Chi phí mua sắm thiết bị công nghệ (gồm cả thiết bị phi tiêu chuẩn cần sản xuất gia công (nếu có) các trang thiết bị phục vụ sản xuất, làm việc, sinh hoạt của công trình (bao gồm thiết bị lắp đặt và không cần lắp đặt); Chi phí vận chuyển từ cảng hoặc nơi mua đến công trình, chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu container (nếu có) tại cảng Việt Nam (đối với thiết bị nhập khẩu) chi phí bảo quản, bảo dưỡng tại kho bãi hiện trường; Thuế và phí bảo hiểm thiết bị công trình.

• Chi phí khác trong dự toán xây dựng bao gồm

+ Chi phí cho công tác đầu tư, khảo sát, thu nhập số liệu... phục vụ cho công tác lập báo cáo tiền khả thi và khả thi đối với các dự án nhóm A hoặc nhóm B (nếu cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư yêu cầu) báo cáo nghiên cứu khả thi nói chung và các dự án chỉ thực hiện lập báo cáo đầu tư.

+ Chi phí cho hoạt động tư vấn đầu tư: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thẩm tra xét duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi.

+ Chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ có liên quan đến dự án (đối với các dự án nhóm A và dự án có yêu cầu đặc biệt).

+ Chi phí cho công tác tuyên truyền, quảng cáo dự án.

+ Chi phí khởi động công trình (nếu có).

+ Chi phí đền bù đất đai, hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả... chi phí cho việc tổ chức thực hiện quá trình đền bù, di chuyển dân cư, các công trình trên mặt bằng xây dựng, chi phí cho công tác tái định cư và phục hồi.

+ Tiền thuê đất hoặc tiền chuyển quyền sử dụng đất.

+ Chi phí phá dỡ vật kiến trúc cũ và thu dọn mặt bằng xây dựng.

+ Chi phí khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng.

+ Chi phí tư vấn thẩm định thiết kế, dự toán công trình.

+ Chi phí lập hồ sơ mời thầu, chi phí cho việc phân tích đánh giá kết quả đấu thầu xây lắp, mua sắm vật tư thiết bị, chi phí giám sát thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị.

+ Chi phí ban quản lý dự án.

+ Một số chi phí khác như: bảo vệ an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, kiểm định vật liệu đưa vào công trình, chi phí lập, thẩm tra đơn giá dự toán, chi phí quản lý, chi phí xây dựng công trình, chi phí bảo hiểm công trình, lệ phí địa chính.

+ Chi phí thực hiện quy đổi vốn, thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình.

+ Chi phí tháo dỡ công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, nhà tạm...(trừ giá trị thu hồi).

+ Chi phí thu dọn vệ sinh công trình, tổ chức nghiệm thu, khánh thành và bàn giao công trình.

+ Chi phí đào tạo cán bộ quản lý sản xuất và công nhân kỹ thuật (nếu có).

+ Chi phí nguyên liệu, năng lượng, nhân lực, thiết bị cho quá trình chạy thử không tải và có tải (trừ giá trị sản phẩm thu hồi được).

•    Chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng là khoản chí phí để dự trù cho các khối lượng phát sinh do thay đổi thiết kế hợp lý theo yêu cầu của chủ đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp nhận, khối lượng phát sinh do các yếu tố không lường trước được, dự phòng do yếu tố trượt giá trong quá trình thực hiện dự án.

Ngôi nhà là một tài sản giá trị lớn nên việc xây dựng ngôi nhà cần phải có một kế hoạch chi tiết để thực hiện và việc lập Dự toán chi phí xây dựng là bước rất quan trọng, chủ nhà không được bỏ qua vì bước này sẽ giúp chủ nhà chủ động được chi phí thực hiện, kiểm soát được chủng loại vật liệu sử dụng, kiểm soát được chất lượng công trình, giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng và chi phí sửa chữa trong quá trình sử dụng.

Bài viết sẽ trả lời câu hỏi tại sao xây nhà phải lập dự toán chi phí xây dựng hay còn gọi là dự toán xây dựng hoặc dự toán ? vai trò cũng như mục đích của việc này.

Khái niệm

Là việc tính toán trước giá trị phải thực hiện của ngôi nhà bạn muốn xây dựng.

Dự toán được lập căn cứ trên cơ sở khối lượng các công việc được bóc tách từ bản vẽ thiết kế thi công, thuyết minh thiết kế, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công, đơn giá máy thi công thưc tế trên thị trường.

Mục đích

Giúp chủ nhà biết trước được số tiền phải chi trả để xây dựng ngôi nhà mong muốn, từ đó có sự chuẩn bị trước về mặt tài chính.

Xác định được chi tiết các công việc phải thực hiện, từ đó Chủ nhà sẽ dễ dàng kiểm soát được các hạng mục công việc phải thực hiện để hoàn thành ngôi nhà tránh làm phát sinh thêm chi phí ngoài dự tính.

Trên thực tế có nhiều chủ nhà vì không lên trước bảng Dự toán chi phí xây dựng nên họ cũng không biết chi tiết các công việc phải làm là những hạng mục công việc nào mà cứ làm tới đâu biết tới đó cuối cùng trong quá trình xây dựng ngôi nhà hết phát sinh chi phí này rồi lại phát sinh chi phí khác và vượt ngoài khoản tiền họ chuẩn bị từ trước thế là phải đi vay, muộn thêm để làm cho xong ngôi nhà….

Đặc biệt quan trọng đó là bảng dự toán sẽ giúp chủ nhà kiểm soát được vật liệu sử dụng cho ngôi nhà của mình, biết được định mức sử dụng vật liệu thông qua bảng phân tích vật tư.

Ví dụ 1m³ tường xây (10m² tường 20cm) thì phải sử dụng bao nhiêu Viên gạch, bao nhiêu xi măng, bao nhiêu cát, bao nhiêu nước thì mới đảm bảo chất lượng ? Dự toán sẽ phân tích rõ từng loại vật tư, số lượng cần phải sử dụng cho chủ nhà đối với từng hạng mục công việc như bảng phân tích vật tư ở phía dưới.

 Ngoài ra khi lập bảng dự toán sẽ có được bảng danh mục công việc để Chủ nhà kiểm soát được tiến độ thực hiện của nhà thầu để đảm bảo tiến độ thực hiện tránh kéo dài thời gian thi công làm phát sinh thêm nhiều chi phí khác. (Như chi phí thuê ở tạm chỗ khác trong thời gian xây dựng ngôi nhà, chi phí gửi đồ đạc, chi phí quản lý...)

Vai trò

Là một tài liệu quan trọng gắng liên với bộ bản vẽ thiết kế thi công tính toán trước cho chủ nhà biết được chi phí phải thực hiện, các công việc phải thực hiện để hoàn thành ngôi nhà và chủng loại vật liệu dùng để xây dựng ngôi nhà.

Là cơ sở để lựa chọn nhà thầu thi công phù hợp để ký kết hợp đồng thi công xây dựng.

Kết Luận

Ngôi nhà là một tài sản giá trị lớn nên việc xây dựng ngôi nhà cần phải có một kế hoạch chi tiết để thực hiện và việc lập Dự toán là bước rất quan trọng chủ nhà không được bỏ qua vì bước này sẽ giúp chủ nhà chủ động được chi phí thực hiện, kiểm soát được chủng loại vật liệu sử dụng, kiểm soát được chất lượng công trình giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng và chi phí sửa chữa trong quá trình sử dụng.

Vậy Lập dự toán để làm gì ? và tại sao phải lập dự toán ? Tôi sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này qua các lợi ích của việc lập dự toán mang lại dưới đây

LẬP DỰ TOÁN ĐỂ LÀM GÌ ? TẠI SAO PHẢI LẬP DỰ TOÁN ?

Đối với mỗi công trình xây dựng thì tối thiểu cần thực hiện các công việc sau: 

1. Lập hồ sơ xin phép xin phép xây dựng;

2. Lập bản vẽ thiết kế thi công;

3. Lập dự toán xây dựng công trình;

4. Triển khai thi công;

5. Hoàn công và bàn giao đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên thực tế hiện nay các dự án xây dựng nhà ở, Chủ nhà thường khoán luôn cho nhà thầu thi công và tính giá xây dựng theo m2 sàn mà bỏ qua luôn bước lập dự toán vì cho rằng Lập dự toán chẳng để làm gì cả.

Vậy Lập dự toán để làm gì ? và tại sao phải lập dự toán ? Tôi sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này qua các lợi ích của việc lập dự toán mang lại dưới đây: 

1. BIẾT CHÍNH XÁC TỔNG CHI PHÍ XÂY DỰNG

Biết được chính xác chi phí cho từng hạng mục, công việc từ đó điều chỉnh, cân đối bỏ đi các công việc không cần thiết – Giúp chủ động kinh phí và tối ưu chi phí cho từng hạng mục công việc.

2. BIẾT RÕ TỔNG VẬT TƯ ĐỂ NHẬP VỀ

Trong xây dựng việc nhập vật tư, nhiều lần, nhập thiếu, nhập thừa đều làm phát sinh chi phí: nhập nhiều lần thì phát sinh chi phí vận chuyển; Nhập thiếu làm chậm tiến độ; Nhập thừa gây lãng phí. Lập dự toán sẽ giúp bạn hạn chế được điều này, bởi bạn chỉ cần căn cứ Bảng tổng hợp vật tư để chuận bị nhập số lượng và chủng loại vật từ phù hợp và vừa đủ.

3. GIÁM SÁT, TRIỂN KHAI CÔNG VIỆC DỄ DÀNG

Bảng dự toán được lập trên cơ sơ đo bóc khối lượng, kích thước chính xác từ bản vẽ thiết kế thi công nên khi giám sát thực hiện, bạn kết bản vẽ thiết kế và bảng dự toán được lập rất dễ dàng phát hiện khi có sai sót để kịp thời điều chỉnh.

4. NẮM ƯU THẾ KHI ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG

Việc nắm rõ chi phí để thực hiện, nắm rõ chi tiết khối lượng công việc, nắm rõ khối lượng vật tư phải cung cấp giúp bạn dễ dàng đưa ra mức giá đàm phán và các ràng buộc hợp đồng về vật tư, tiến độ đảm bảo quyền lợi.

5. VAY VỐN NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG

Trong trường hợp bạn cần vay vốn qua ngân hàng thì Bảng dự toán được lập chính là cơ sở để ngân hàng duyệt vay vốn. Khi bạn đã lập dự toán thì việc vay ngân hàng sẽ rất dễ dàng được duyệt nhanh chóng.

6. DỄ DÀNG PHÂN CHIA GÓI THẦU, GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN

Một công trình xây dựng được phân chia ra từng gói thầu (Phần móng; Phần thô; Phần hoàn thiện, phần nội thất ….) sẽ giúp bạn dễ dàng giám sát thực hiện, lựa chọn đơn vị thi công có năng lực theo từng gói thầu cụ thể và đơn giá hóa trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ thực hiện.

Trên thực tế hiện nay có nhiều bạn thường lập dự toán thiếu hệ thống và thường phức tạp hóa vấn đề. Hệ quả là đa số nhận thấy lập dự toán xây dựng công trình không phải đơn giản.

Nhưng theo tôi việc lập dự toán xây dựng công trình không phức tạp như các bạn nghĩ đâu mà thực chất việc lập dự toán xây dựng công trình rất đơn giản nếu các bạn nắm rõ các bước cơ bản sau:

CÁC BƯỚC LẬP DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH


Để biết việc lập dự toán cần có những bước nào trước hết ta phải biết dự toán xây dựng là gì ? và bao gồm những thành phần nào ?

-  Dự toán xây dựng công trình là bảng tính toán trước chi phí của dự án, công trình hay một hạng mục công trình để thực hiện.

-  Dự toán xây dựng công trình bao gồm các thành phần sau: Mã số (mã hiệu định mức); Khối lượng; đơn vị tính; đơn giá và thành tiền như hình 1.

Hình 1

Vậy để lập dự toán xây dựng công trình ta đơn giản là ta phải có 3 thành phần chính:

1. Danh mục khối lượng

2. Đơn giá

3.Thành tiền

Bây giờ mình sẽ đi từng phần nhé.

Đầu tiên là danh mục khối lượng:

Để có danh mục khối lượng ta căn cứ vào Bản vẽ thiết kế kỹ thuật để tính toán đo bóc khối lượng và Định mức của công việc để lập Bảng danh mục liệt kê khối lượng các công tác cần phải thực hiện và đơn vị tính tương ứng ví dụ như khi đo bóc khối lượng một cái móng bê tông thì có bảng phải liệt kê công tác sau: Đào đất (m³, 100m³), Lắp đặt và tháo dỡ ván khuôn (m², 100m²); Lắp đặt cốt thép (kg, tấn); đổ bê tông (m³) và cuối cùng là Lấp đất, đầm chặt (m³, 100m³). 

Hinh 2

Thứ 2 là Đơn giá: 

Để biết được đơn giá của một công việc ta phải phân tích thành phần cấu thành của nó qua ví dụ sau:
Ví dụ 1: Công tác “Bê tông móng đá 1x2 M300” ở hình 1 có đơn giá là 2.202.910 đồng:

Hình 3

Nhìn vào hình 3 ta thấy đơn giá Công tác “Bê tông móng đá 1x2 M300” được cấu thành bởi các thành phần: Vật liệu; Nhân công; Máy thi công và các chi phí như chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng.

Tới đây chắc chắn sẽ có bạn hỏi tôi làm sao ta lại có được “Bảng phân tích đơn giá” trên. Câu trả lời đó là để có được bảng phân tích đơn giá trên ta phải căn cứ vào Bộ định mức do Bộ xây dựng ban hành, đơn giá thực tế của Vật liệu, nhân công, máy thi công và Thông tư “hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng” của Bộ xây dựng để tính các chi chí: Chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước… (tại thời điểm tôi viết bài là Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016)

Lưu ý:

Định mức do Bộ xây dựng công bố chỉ có tính chất tham khảo chúng ta có thể tự lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập mới cho phù hợp. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam hiện này đại đa số đều dùng định mức của Bộ xây dựng để lập.

Cuối cùng là Thành tiền:

Thành tiền = Khối lượng * Đơn giá

Tóm lại:

Lập dự toán xây dựng công trình là việc xác định Danh mục khối lượng để thực hiện và đơn giá của nó để xác định chi phí xây dựng.

Khối lượng: Xác định trên cơ sở Bản vẽ thiết kế kỹ thuật và Định mức công việc.

Đơn giá: Xác định căn cứ Định mức công việc + đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công + các khoản chi phí khác (chi phí trực tiếp, chi phí chung, thuế giá trị gia tăng…).

prev_doitac next_doitac